Quy trình thu hoạch lúa đạt hiệu quả và năng suất cao

quy trình thu hoạch lúa
Rate this post

Quy trình thu hoạch lúa đúng kỹ thuật giúp giảm hao hụt, bảo đảm chất lượng hạt gạo và tối ưu hiệu quả kinh tế. TTP Global sẽ cung cấp đến bà con các  thông tin chi tiết về những yếu tố quan trọng trong quy trình thu hoạch lúa, từ thời điểm thu hoạch, phương pháp truyền thống và hiện đại, đến lưu ý khi thu hoạch lúa giống.

1.Thời điểm thu hoạch lúa

Trong quy trình thu hoạch lúa, việc xác định thời điểm thu hoạch lúa đúng lúc rất quan trọng để giảm thiểu hao hụt và đảm bảo chất lượng hạt gạo. Thông thường, thời điểm thu hoạch tốt nhất là sau 28 – 32 ngày kể từ khi lúa trổ bông hoặc khi tỷ lệ chín trên ruộng đạt 85 – 95%. Đây là giai đoạn mà hạt lúa đã tích lũy đủ chất dinh dưỡng, giúp nâng cao chất lượng gạo sau xay xát.

Thời điểm thu hoạch rất quan trọng trong quy trình thu hoạch lúa
Thời điểm thu hoạch rất quan trọng trong quy trình thu hoạch lúa

Việc thu hoạch quá sớm khi lúa chưa chín hoàn toàn sẽ khiến hạt chưa tích lũy đủ dinh dưỡng, làm giảm trọng lượng và chất lượng gạo. Lúa non khi chế biến thường cho ra hạt gạo có độ dẻo không cao, hạt nhỏ và dễ gãy. Ngược lại, nếu thu hoạch quá trễ, cây lúa bị khô, dễ bị đổ ngã, làm tăng nguy cơ hao hụt sản lượng.

Ngoài ra, đối với một số giống lúa có đặc tính ít miên trạng, thu hoạch muộn có thể khiến lúa nảy mầm ngay trên bông, làm giảm chất lượng gạo nghiêm trọng. Do đó, việc chọn thời điểm thu hoạch cần dựa vào đặc điểm của từng giống lúa và điều kiện canh tác cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất.

2.Cách thu hoạch lúa đảm bảo hiệu quả và năng suất cao

Thu hoạch lúa là bước quan trọng quyết định đến chất lượng và năng suất sau cùng của ruộng lúa. Sau đây, cùng TTP Global tìm hiểu 2 cách thu hoạch thu lúa phổ biến và hiệu quả nhất!

2.1. Quy trình thu hoạch lúa truyền thống

Từ xa xưa, việc thu hoạch lúa chủ yếu dựa vào sức lao động thủ công, bao gồm các giai đoạn chính: gặt/cắt lúa, tuốt hạt, giê lúa.

  • Gặt lúa: Sử dụng vòng hái hoặc lưỡi hái cắt lúa với độ dài khác nhau tùy thuộc vào giống lúa. Đối với giống lúa thân cao, việc gặt được thực hiện tại vị trí cách cổ bông khoảng 20 – 30 cm, sau đó bó lại thành từng bó nhỏ. Trong khi đó, các giống lúa thân thấp thường được cắt thấp hơn để đảm bảo thu hoạch hiệu quả hơn.
  • Tuốt hạt: Có nhiều cách tuốt hạt truyền thống, như đập bồ, đập cặp, đạp lúa hoặc suốt lúa bằng máy bán cơ giới. Những phương pháp này giúp tách hạt khỏi bông nhưng thường gây hao hụt cao nếu thực hiện không đúng kỹ thuật.
  • Giê lúa: Giai đoạn cuối cùng trong phương pháp thu hoạch truyền thống là giê lúa, tức là tách hạt lép và bụi bẩn khỏi hạt chắc bằng sức gió (tự nhiên hoặc máy quạt). Người nông dân sẽ đổ lúa từ trên cao xuống để loại bỏ những hạt nhẹ và kém chất lượng.
Quy trình thu hoạch lúa truyền thống
Quy trình thu hoạch lúa truyền thống

Mặc dù phương pháp truyền thống linh hoạt và có thể áp dụng ngay cả ở những vùng ruộng lầy lội hoặc địa hình phức tạp, nhưng lại tốn nhiều nhân công, mất nhiều thời gian và dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao hơn.

2.2. Cách thu hoạch lúa hiện đại

Với sự phát triển công nghệ, việc thu hoạch lúa hiện nay trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn nhờ sử dụng máy gặt đập liên hợp. Đây là phương pháp hiện đại giúp tiết kiệm đáng kể công lao động và giảm hao hụt hạt lúa trong quá trình thu hoạch.

Máy gặt đập liên hợp tích hợp cả ba công đoạn: gặt, tuốt hạt và giê lúa trong cùng một quá trình. Nhờ vậy, hạt lúa thu hoạch được bảo toàn chất lượng tốt hơn, ít bị lẫn tạp chất và giảm tỷ lệ hạt lép. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí nhân công và thời gian thu hoạch, đặc biệt là đối với các cánh đồng lúa lớn.

Quy trình thu hoạch lúa hiện đại
Quy trình thu hoạch lúa hiện đại

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là chi phí đầu tư máy móc ban đầu khá lớn, đồng thời máy gặt đập liên hợp chỉ hoạt động hiệu quả trên những ruộng lúa có địa hình bằng phẳng, khô ráo. Đối với những vùng có địa hình gồ ghề hoặc ruộng trũng, phương pháp này có thể không phù hợp.

3.Một số lưu ý về quy trình thu hoạch lúa làm giống

Cách thu hoạch lúa làm giống đòi hỏi sự cẩn thận và chính xác hơn so với thu hoạch lúa thương phẩm thông thường. Chất lượng giống quyết định trực tiếp đến năng suất vụ mùa sau, vì vậy cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Chọn ruộng làm giống: Lúa giống cần được thu hoạch từ những ruộng có đặc điểm sinh trưởng đồng nhất, không bị sâu bệnh, ít đổ ngã. Hạt lúa phải chắc, chín đều màu, có kích thước lớn và không bị lẫn với các giống khác.
  • Kiểm soát độ sạch của giống: Ngay từ giai đoạn gieo sạ, nông dân cần thực hiện khử lẫn để đảm bảo ruộng lúa thu hoạch không bị pha trộn nhiều loại giống khác nhau. Điều này giúp duy trì các đặc tính tốt của giống lúa nguyên bản.
  • Thời điểm thu hoạch: Lúa giống nên được thu hoạch vào những ngày nắng ráo để tránh tình trạng ẩm mốc. Sau khi thu hoạch, cần phơi khô ngay trong điều kiện tiêu chuẩn, tránh để lúa ẩm ướt gây ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm của hạt giống.
  • Bảo quản đúng cách: Sau khi lúa được làm sạch và phơi khô, cần bảo quản trong điều kiện thích hợp, tránh để hạt lúa tiếp xúc với độ ẩm cao hoặc ánh nắng trực tiếp quá lâu, gây ảnh hưởng đến chất lượng giống.
Một số lưu ý về quy trình thu hoạch lúa
Một số lưu ý về quy trình thu hoạch lúa

Nhìn chung, quy trình thu hoạch lúa không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn quyết định đến chất lượng gạo và giống lúa cho các vụ tiếp theo. Việc áp dụng đúng phương pháp và thời điểm thu hoạch sẽ giúp tối ưu hóa sản lượng, giảm hao hụt và đảm bảo chất lượng lúa sau thu hoạch..